JAKARTA, Indonesia (NV) – Các nước ASEAN và Trung Quốc đồng ý cố gắng hoàn tất các cuộc đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) trong ba năm.
Bộ Ngoại Giao Indonesia loan báo như trên khi các nước ASEAN chuẩn bị họp thượng đỉnh, trước khi họp với Trung Quốc và các đối tác khu vực tại Jakarta. Từ đầu 2023 đến nay, Indonesia là nước chủ tịch luân phiên năm nay đã có nhiều cố gắng thúc đẩy đàm phán cho vấn đề gai góc này.

Tại cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa ASEAN và Trung Quốc hồi Tháng Bảy, các bên liên quan đã thỏa thuận các nguyên tắc “hướng dẫn” tiến hành nhanh cuộc đàm phán để lãnh tụ họp thượng đỉnh từ ngày 6 Tháng Chín tuần này xác nhận.
Không thấy công bố các “hướng dẫn” tiến hành đàm phán đó là những gì, nhưng Bộ Ngoại Giao Indonesia ra một bản thông cáo báo chí nói rằng, ASEAN và Trung Quốc cố gắng “hoàn tất đàm phán COC trong ba năm hay sớm hơn, qua các cuộc thảo luận cao độ trên các vấn đề còn bị kẹt và những phương pháp làm việc khác được đề nghị. Nhờ đó, các cuộc đàm phán sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn.”
Bộ Ngoại Giao Indonesia cho hay thêm rằng các “hướng dẫn” đó có thể được dùng như “hướng dẫn cụ thể để giúp COC hiệu quả và khả thi.” Indonesia nói rằng họ sẽ thúc đẩy để các cuộc đàm phán kế tiếp được tiến hành trước cuối năm nay.
Dự trù Bộ COC gồm các quy định “phản ảnh các nguyên tắc, chuẩn mục quốc tế và các luật lệ, đặc biệt là Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) để nhờ đó tạo ra ổn định, an toàn và hòa bình tại Biển Đông.”
Tuần trước tức không bao lâu trước khi có cuộc họp thượng đỉnh ASEAN với Trung Quốc tuần này, Trung Quốc công bố bản đồ “tiêu chuẩn” với 10 vạch nối lại giống hình “lưỡi bò” chiếm gần hết Biển Đông.
Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước nữa đã lên tiếng phản bác. Việt Nam nói cái bản đồ đó “vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công Ước Quốc Tế về Luật Biển.”
Malaysia gửi công hàm phản đối Bắc Kinh và ra thông cáo báo chí nói rằng “bản đồ tiêu chuẩn năm 2023” mà Trung Quốc đưa ra “không có giá trị ràng buộc gì với Malaysia.” Bộ Ngoại Giao Philippines cũng gọi cái đó “không có căn cứ quốc tế.”
Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (Code of Conducts – COC) từng được đề cập và đàm phán hơn chục năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Cho tới nay, ASEAN và Trung Quốc mới chỉ thỏa thuận được lần đọc thứ hai cái khung đàm phán. Dù vậy, những gì đã thỏa thuận hay những gì cần đàm phán chi tiết vẫn không ai biết.

Năm 2018, Bắc Kinh đã đưa ra cái mốc hoàn tất đàm phán COC trong vòng ba năm. Hạn đã hết, người ta lại thấy hô hò kết thúc đàm phán cuối năm 2022 và cũng không xong, nay ASEAN với Trung Quốc lại đặt cái mốc mới trong khi rất nhiều vấn đề rất khó thỏa hiệp vẫn còn nguyên.
Theo giới chuyên viên, nếu Bắc Kinh vẫn cứ cả quyết chủ quyền “lưỡi bò” bất chấp chủ quyền của các nước khác và bất chấp UNCLOS thì làm sao thỏa hiệp? Đồng thời, một Bộ COC có ràng buộc pháp lý hay không để giải quyết các tranh chấp, cơ quan nào là trọng tài vẫn là vấn đề bỏ ngỏ. Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016 của tòa trọng tài quốc tế khi bị Philippines kiện là một thí dụ điển hình.
Hiện tại, trên thực tế, Trung Quốc sử dụng lực lượng Hải Cảnh và “dân quân biển” để áp lực các nước nhỏ phía Nam tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ theo chiến thuật “vùng xám” sẽ càng làm cho triển vọng đạt được một bộ COC hiệu quả như mọi người mong muốn, thấy khó lòng. (TN) [kn]
Trích nguồn: nguoi-viet.com